Để Sunner kể cho mà nghe, Tết của người miền Trung đặc biệt lắm!

Mỗi vùng miền có những cách đón Tết khác nhau. Tết của Sunner miền Trung có những nét đặc trưng rất riêng và đặc sắc. Hãy cùng Sun* News nghe họ kể về Tết quê hương những ngày đầu năm mới nhé!

Là một chàng trai Quảng Nam chính gốc, dù nhiều năm xa nhà nhưng không khí đón Tết tại quê hương vẫn làm anh V.T.Nguyện (BrSE - Group 2) nhớ mãi: “Ở quê mình nhà nhà đều nấu bánh tét vào ngày cuối năm. Thời điểm giao thừa thì mọi người tập trung trước nhà để đón khoảnh khắc chào năm cũ đón năm mới. Mọi người thường đón Tết bằng việc buổi sáng mùng 1 đi tảo mộ, rồi đi chùa thắp hương cầu duyên hoặc là đi nhà thờ cầu nguyện năm mới. Điều mình háo hức mong đợi nhất là được nhận lì xì (dù mình đã khá già so với độ tuổi được nhận lì xì).”

Còn với một người con xứ Huế, anh T.Đ.Sơn (Group 6) cho hay: “Ở Huế thì thường thường đến giữa Tháng Chạp mỗi họ (dòng họ) sẽ có 1 ngày gọi là ngày "Chạp họ". Ngày đó con cháu làm ăn xa khắp nơi sẽ tụ họp về. Sáng sớm sẽ chia nhau đi "chạp mã" (dọn dẹp vệ sinh, làm cỏ quanh khu mộ của người trong họ), sau đó về nhà thờ họ làm lễ cúng. Người dân Huế quan niệm việc này như là dọn dẹp sửa soạn để đón ông bà về ăn Tết vậy.”

Rồi tầm sau 23 âm lịch thì lần lượt hết nhà này đến nhà kia làm tất niên, mời nhau đi ăn qua lại, đó là những ngày tất niên không hồi kết. Nhà mình thì thường 28 gói bánh chưng bánh tét, đêm 30 thì cúng giao thừa, năm nào cũng thức xem pháo hoa giao thừa cùng nhau. Người Huế quan niệm sáng mùng 1 không nên đi lung tung, lỡ chân xông đất nhà người ta mà năm đó họ làm ăn không tốt thì xác định. (Cười)” - Anh Sơn nói thêm.

Cô nàng Bảo Trâm (HRV) kể về ngày Tết tại thành phố đáng sống - Đà Nẵng: “Ở Đà Nẵng, vào ngày 30 Tết, sau khi xem Táo Quân xong thì sẽ cúng giao thừa, rồi đi chùa cầu an. Sáng mùng 1 sẽ bắt đầu hơi muộn so với những ngày khác. Sau khi ăn sáng với bánh chưng, củ kiệu thì ra vườn hoa Bạch Đằng làm vài kiểu ảnh hoặc lên chùa Linh Ứng/Chùa Quán Thế Âm xin quẻ xăm để cầu tài, cầu duyên phận, cầu may mắn.”

Tại Quảng Ngãi cũng có những nét phong tục đón Tết đặc sắc, trong đó phải kể đến: “Quê mình thì các trò chơi dân gian ngày Tết đã hoạt động từ giữa tháng Chạp rồi nên không khí Tết đến rộn ràng từ rất sớm. Trong những ngày Tết chắc chắn mình sẽ thử vận may một tý!” - Anh V.H.Hiệp (BrSE - Group 4) cho biết. 

Quê xa nhưng do tình hình dịch Covid nên năm này, anh N.V.Tâm (BrSE - Group 6 - Quê Yên Bái) không thể về quê đón Tết cùng gia đình. Vậy nên không khí Tết tại quê nhà luôn làm anh bồi hồi : “Trước Tết, hàng xóm thân hữu với nhau sẽ cùng "Đụng Lợn". Nghĩa là, một con lợn ngon (ăn ngô sắn, chứ không ăn cám con cò nên thịt ngon hơn) sẽ được chọn để mổ, các gia đình sẽ chia nhau các phần của con lợn này. Vào 2 ngày đầu Tết, mọi người kéo nhau sang hàng xóm chúc Tết. Có thể nhiều gia đình, hay một nhóm bạn của nhau sẽ hợp lại thành một đoàn để đi chúc Tết. Mẹ mình thường xuyên phải đón tiếp những đoàn khách có khi cả chục người, rôm rả cơ mà cũng khản cả cổ. Điều mình thích nhất là được nấu bánh chưng trong bếp củi mỗi đợt Tết về bởi nó khiến mình cảm thấy yêu ngày Tết hơn.”

"Mùa xuân đến rồi, này cô chú anh chị ơi!!!"

Anh H.Hiệp tâm sự: “Khá đặc biệt bởi năm nay là năm đầu tiên mình mới được đón Tết âm lịch ở Việt Nam sau 5 năm làm việc tại Nhật. Mọi năm thì chỉ toàn là video call với người thân để "ăn Tết" cùng, nhưng năm nay có thể được đến từng nhà, đi thăm từng người rồi! Bởi thế, sau khi đón giao thừa cùng với người thân trong gia đình. Những ngày đầu năm thì sẽ đi viếng mộ ông bà, đi thăm người thân. Ngoài ra thì chắc sẽ không quên lên cho mình kế hoạch và những mục tiêu cần hoàn thành trong năm mới.”

Háo hức chia sẻ về kế hoạch của mình, bạn Bảo Trâm bảo rằng: “Ngày Tết là dịp để nghỉ ngơi, quây quần bên gia đình. Cũng như mọi năm, những ngày gần Tết là lúc mà mình chuẩn bị những món ngon nhâm nhi như tai mui chua ngọt, chân gà sả ớt, ủ rượu trái cây.. Sáng mùng 1 thì gia đình mình đi chùa Tàu làm lễ (nhà mình gốc Hoa). Sau đó tập trung hết về nhà ngoại mình để ăn trưa và video call cho những người thân ở xa nhà. Mùng 2, mùng 3 đi thăm nhà bà con, bạn bè chúc Tết. Tuy nhiên, Tết này cũng hạn chế ra đường hơn vì Covid mà, ở nhà xem Netflix cho lành.”

Các Sunners Đà Nẵng cũng không quên gửi lời chúc mừng đến toàn Sun* đây: “Chúc tất cả anh chị em có nhiều dũng cảm để đặt những mục tiêu lớn, đủ kiên trì, dồi dào sức khỏe và nhiều điều may mắn để chinh phục những mọi kế hoạch đặt ra nhé!” - Anh Tâm nhắn nhủ.

“Năm mới chúc Sun(ners) sức khỏe nhiều

Tiền bạc rủng rỉnh thoải mái tiêu

Ai mà chưa có người kề gối,

Bớt khó tính đi sẽ có bồ”

- Bảo Trâm - 

Chúc tất cả các Sunner sẽ có một năm mới bình an, thuận lợi, vạn sự như ý nhé! 

#Tết của người Sun*