Góc nhìn: Ngưng mơ tưởng Chat GPT có thể thay bạn làm mọi thứ!

Chat GPT là một ứng dụng AI đang “sốt xình xịch” trong thời gian gần đây và sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người dùng khi sử dụng đúng cách. Thực tế, nếu nhìn nhận một cách tổng quan thì Chat GPT vẫn sở hữu những nhược điểm cố hữu mà chúng ta cần thận trọng lưu ý. Với những góc nhìn chuyên môn từ một người làm kỹ thuật và làm trong mảng trí tuệ nhân tạo, hãy cùng Sun* News lắng nghe những chia sẻ của AI Research Specialist đến từ R&D Unit của Sun* nhé!

Không thể phủ nhận Chat GPT sở hữu rất nhiều lợi ích như tìm kiếm và cung cấp thông tin người dùng yêu cầu, tự động hóa các quy trình công việc, hỗ trợ việc tư vấn trực tuyến, hỗ trợ khách hàng… “Dân công nghệ” Sun* cũng không nằm ngoài xu hướng khi đã có cách sử dụng Chat GPT độc đáo cho riêng mình. 

Chat GPT là một mô hình ngôn ngữ lớn, điều đó không thể chối cãi nhưng bản thân nó tồn tại những nhược điểm cần phải cân nhắc kỹ lưỡng.

Tham số quá cao tạo nên mối lo cho các công ty công nghệ

Chưa có con số chính thức về số lượng tham số của Chat GPT, tuy nhiên, việc kế thừa từ GPT-3 với 175 tỉ tham số thì mô hình này cũng thuộc dạng siêu to khổng lồ. Vào năm 2020, GPT-3 là mô hình ngôn ngữ lớn nhất từng được đào tạo, với 175 tỷ tham số. Nó lớn đến mức cần 800 GB bộ nhớ để huấn luyện nó. 

Năm nay, nó đã bị BLOOM (BigScience Large Open-science Open-access Multilingual Language Model) soán ngôi vị trí đầu bảng trong số các mô hình lớn nhất với 176 tỷ tham số. Đây thực sự là một cuộc đua về phần cứng khi mà phải cần đến 40 GPUs loại 24GB chỉ để chứa mô hình. Chưa kể rằng với lượng dữ liệu training khổng lồ thì các mô hình ngôn ngữ như GPT-3 đòi hỏi lượng chi phí tính toán và phần cứng khổng lồ. Trong tương lai, khi mô hình GPT-4 ra đời, nếu họ dự định cần một nghìn tỷ - trillion tham số (tức gấp 7 lần mô hình hiện tại) thì mức độ khủng khiếp của dàn tính toán sẽ ra sao? Cũng chính mức độ khủng khiếp này, tin rằng bất kì các công ty công nghệ non trẻ nào cũng sẽ không có cửa trong cuộc đua này.

Dữ liệu không đảm bảo 100% "sạch, chất"

Chắn chắn rằng OpenAI sẽ không đủ thời gian để dùng con người đọc và kiểm chứng toàn bộ các dữ liệu đưa vào mô hình ngôn ngữ bởi điều đó là không thể. Nó cũng đi ngược lại tiêu chí phát triển các mô hình bằng việc tự tìm ra các đặc trưng ẩn từ dữ liệu không cần gán nhãn của các mô hình ngôn ngữ như GPT. 

Chính vì thế, khi chúng ta sử dụng Chat GPT, chúng ta cần phải chấp nhận một sự thật rằng chúng ta đang nói chuyện với một chiếc máy đào tạo từ một kho tàng dữ liệu đa dạng và không có cơ sở kiểm chứng được tính đúng đắn của nó. 

Không xác minh được độ “thật” của thông tin

Lại trở về câu chuyện của đúng và sai, vốn dĩ nó là một phạm trù rất khó phân biệt ngay cả đối với con người bình thường. Và chắc hẳn hơn một lần các bạn sẽ nhận được các câu trả lời của Chat GPT hết sức tự nhiên nhưng bạn lại không nắm rõ tính chính xác của nó. Đây có lẽ là điểm yếu lớn nhất của một mô hình ngôn ngữ bởi nếu như thông tin đưa ra chưa được kiểm chứng mà lại tự nhiên đến mức làm cho người ta tin rằng nó có thật thì sẽ rất nguy hiểm.

Cập nhật chậm

Việc huấn luyện các mô hình ngôn ngữ như Chat GPT vô cùng tốn kém. Đó là lý do tại sao nó khó thể đáp ứng được với các thông tin dạng thời sự, bởi đơn giản dữ liệu của nó đã là các dữ liệu trong quá khứ và không còn mới nữa. Có lẽ phải đến khi có công nghệ tính toán siêu việt như công nghệ lượng tử thì mới có thể giúp các mô hình ngôn ngữ như thế này trở nên real-time update.

Chưa thể nào thay thế các search engine như Google

Các ông lớn như Google có nguồn tài nguyên lớn, nguồn dữ liệu lớn nên rất khó để một startup non trẻ như OpenAI vượt mặt. Bản thân việc trả ra một câu trả lời duy nhất như Chat GPT đang làm khiến cho thông tin hoàn toàn bị một chiều, không cho chúng ta quyền lựa chọn và tìm hiểu. Chính kĩ năng tìm kiếm và đào sâu trên các kết quả có sẵn khiến chúng ta cũng không biết được nó đúng hay sai. Nếu muốn kiểm chứng lại thông tin thì chúng ta sẽ cần tự tìm kiếm.

OpenAI là một công ty khởi nghiệp công nghệ nên mục tiêu của họ vẫn là doanh thu và lợi nhuận. Họ khác với các phòng thí nghiệm nghiên cứu khoa học của các tập đoàn lớn khác khi mà các lab khác có nguồn ngân sách riêng để chỉ cần tập trung phát triển những công nghệ mới. Chúng ta có thể thấy được các động thái về tài chính tích cực như rất nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư và OpenAI và các công ty AI khác, cổ phiếu của các công ty làm về AI “bay tới nóc”, ngay cả những doanh nghiệp nhỏ làm AI cũng được hưởng lợi vì khách hàng biết đến nhiều hơn và lượng dự án cũng trở nên nhiều hơn. Đối với cá nhân một người làm AI như mình thì đó là một tín hiệu tích cực.

Tuy nhiên, chắc chắn một điều rằng với nền tảng phát triển và triển khai còn nhiều cồng kềnh thì có lẽ Chat GPT phải cần cải tiến hơn nhiều nữa mới đảm bảo được lợi nhuận lớn như OpenAI mong đợi. 

Bức tranh viễn cảnh tương lai của Chat GPT

"Hãy có cái nhìn tỉnh táo và tận dụng Chat GPT một cách hợp lý nhất, luôn có bước double check với những câu trả lời từ nó.”

Nếu Chat GPT có những bước cải tiến mới, đem những nhược điểm kể trên giải quyết tận gốc thì trong tương lai sẽ còn cơ hội tiến xa hơn nữa và nhận được sự tin tưởng của giới chuyên gia. Còn hiện tại, chúng ta hãy sử dụng Chat GPT một cách thông minh, đừng để Chat GPT trở thành "Chết GPT" của mỗi chúng ta, Sunners nhé!

Bài viết trích lại một phần quan điểm của anh Văn Toàn - AI Research Specialist đến từ R&D Unit. Đọc toàn bộ bài viết của anh Văn Toàn TẠI ĐÂY

#chatgpt