Làm sao để vượt qua khủng hoảng những năm tuổi 20?

Chắc hẳn bất kì ai trong chúng ta cũng đều ít nhất một lần trải qua những ngày có thể gọi là tồi tệ nhất trong cuộc đời mình. Mỗi sáng thức dậy là mỗi lần vật lộn trong hàng tá câu hỏi: Mình là ai? Mình muốn làm gì? Cuộc đời mình sẽ đi về đâu? Cảm thấy mất phương hướng, lo lắng và hoảng loạn. Đây chính giai đoạn tâm lý mà mình tạm gọi là “Khủng hoảng những năm tuổi 20”.

“Con kiến mà leo cành đa,

Leo phải cành cụt leo ra leo vào.

Con kiến mà leo cành đào

Leo phải cành cụt leo vào leo ra.”

Lẩm nhẩm câu ca dao quen thuộc từ bé, tôi bất chợt giật mình nhận ra, cũng từng có lúc mình giống như con kiến kia, loay hoay tìm kiếm một lối ra cho những bế tắc của bản thân…

Nghĩ lại thì đó là chuỗi ngày khủng hoảng trầm trọng của tôi. Công việc bề bộn, OT liên miên, bất đồng với sếp, review cuối năm không được như mong muốn, người yêu thì bỗng một ngày mưa gió nằng nặc đòi chia tay trong sự ngỡ ngàng của mình, bố mẹ lại giục giã chuyện lập gia đình… Trong khi đó, bạn bè đứa thì cưới vợ sinh con, đứa thì tậu xe xây nhà, đi Tây đi Tàu, bất chợt tôi có cảm giác giống như một kẻ thua cuộc.

Thực là trớ trêu! Ở thời kì trẻ trung, sung mãn nhất của đời người, ta lại sa lầy trong vũng bùn bế tắc, u tối, bủa vây lấy ta một cách dai dẳng. Nếu như bạn cũng có những trải nghiệm tâm lý như vậy giống tôi, thì chúng ta đã bước lên chung một con thuyền mang tên là “Khủng hoảng những năm tuổi 20”.

Họ và tên: Nghiêm Xuân Hiến

Sinh năm: 1990

Cung hoàng đạo: Kim Ngưu

Vị trí công việc: IT Japanese Teacher và BrSE Intern

Tìm hiểu một chút, theo một nghiên cứu của đại học Greenwich, quãng thời gian khủng hoảng này có thể được chia thành 05 giai đoạn chính:

  • Giai đoạn 1: Chúng ta cảm thấy bị mắc kẹt trong những lựa chọn cuộc đời của mình như:  lựa chọn về trường học, về công việc, thậm chí là người yêu,…
  • Giai đoạn 2: Chúng ta cảm thấy “mình cần phải thoát ra khỏi đây” và ngày càng cảm thấy mình phải thay đổi.
  • Giai đoạn 3: Chúng ta bỏ học, thôi việc, chia tay người yêu… phá vỡ những mối ràng buộc từng khiến chúng ta cảm thấy bị trói buộc.
  • Giai đoạn 4: Chúng ta bắt đầu “làm lại cuộc sống” một cách chậm rãi nhưng chắc chắn hơn.
  • Giai đoạn 5: Chúng ta xây dựng những cam kết mới tương ứng với những sự lựa chọn và ưu tiên mới.

Thời điểm khi bản thân đang ở giai đoạn 3 – giai đoạn của sự từ bỏ, phá vỡ. Tôi đã quyết định thôi việc ở công ty cũ và chuyển sang Sun* cùng một hướng đi công việc hoàn toàn khác, và tất nhiên kèm theo niềm hoang mang vẫn còn đó. Giờ đây, sau một năm tròn gắn bó với Sun*, dù vẫn còn đối diện với câu chuyện không người yêu, chưa nhiều thành tựu, hay những vụn vặt muôn thuở, thì tâm thế của tôi đối với những điều đó đã khác. Tôi đón nhận nó với sự yên bình hơn nhiều.

Vậy nên, ở bài viết này, tôi xin chia sẻ lại một vài bí quyết của bản thân để vượt qua khủng hoảng những năm tuổi 20 và tìm lại chính mình. Hi vọng những kinh nghiệm nhỏ bé này sẽ hữu ích cho những ai đang gặp phải vấn đề tương tự trong công việc và cuộc sống nhé!

1. Chúng ta không chỉ có một mình và khủng hoảng cũng là điều bình thường mà thôi!

Điều đầu tiên chúng ta cần làm đó là: Chia sẻ.

Hãy thử “tóm” lấy một vài người bạn đồng trang lứa, và chia sẻ về những điều mà mình đang trải qua. Tin tôi đi, nói ra được những thứ canh cánh trong lòng, sẽ giúp cho tâm trạng mình cải thiện hơn rất nhiều. Hơn nữa, rồi bạn sẽ nhận ra, không chỉ có mình đang gặp phải những vấn đề như vậy, bất kì ai, dù thành công đến mấy cũng đã, đang hoặc sẽ phải trải qua những thứ không mấy dễ chịu. Hay giả như một hôm nào đó, dốc bầu tâm sự qua kênh Radio Confession của nội bộ Sun* cũng là một lựa chọn không tồi, nhỉ?

Và sẽ tuyệt vời hơn nữa, nếu bạn có một bậc tiền bối nào đó đủ chín chắn để cho ta những lời khuyên hữu ích. Nếu không có một người như vậy, bạn có thể tìm đến những kinh nghiệm được đúc kết từ những cuốn sách. Hãy tiếp cận vấn đề của mình một cách khoa học, và thông minh, rồi nó cũng sẽ trở nên bé xíu thôi mà!

Lối sống tối giản của người Nhật là một cuốn sách mà sau khi đọc, và thực hành theo nó, tôi thấy góc nhìn và tâm trạng của mình thay đổi khá nhiều.

2. Nhìn sâu vào bên trong con người mình

“Kẻ thù lớn nhất của ta là chính mình”. Quả vậy, nguồn gốc sâu xa của cuộc khủng hoảng này, chẳng ở đâu xa, mà nằm chính ở bên trong mỗi chúng ta. Do đó, ta nên bỏ bớt những mối quan tâm bên ngoài, những thứ không thực sự cần thiết, bỏ những cuộc nhậu chẳng đi tới đâu, những lần mua sắm điên cuồng hòng lấp đầy sự trống rỗng bên trong bản thân…vv..

Sống chậm lại, cảm nhận bản thân mình, tìm lấy vài thứ mới mẻ, mang hơi hướng “thiền” chẳng hạn. Mình chọn nuôi cá và trồng hoa. Nghe hơi giống một “ông già” tuổi xế chiều nhỉ? Nhưng thực tế, việc ngắm đàn cá tung tăng bơi lượn trong chiếc bể mà bạn tự tay thiết kế, hay việc từng ngày nhìn bông hoa bạn chăm bón lớn dần, rồi bung nở, sẽ giúp bạn có thời gian “lắng” mình lại, thấy bình yên vài chút, và rung động với những hạnh phúc nhỏ nhoi.

Nói nhỏ cho bạn biết, ở Sun* có một câu lạc bộ, dù không chính thức nhưng tập hợp rất nhiều thành viên yêu thích cá cảnh đó. Tại sao bạn không thử tham gia nhỉ?

3. Ngưng so sánh

Có lẽ dù chẳng thích thú gì, nhưng chúng ta cũng bị ảnh hưởng bởi thói quen so sánh bản thân với người khác. Đa số mọi người đều “vô tình” hình thành điều này từ khi còn nhỏ, do ảnh hưởng của các mối quan hệ giữa cha mẹ – con cái, bạn bè, thầy cô..vv.

Thực tế cho thấy, dù là ở Sun* hay bất cứ đâu, sẽ luôn có những người anh triển vọng, người chị showbiz đầy tài năng, hay cô em thu nhập khủng tới 150 triệu một tháng,… những người mà cuộc sống của họ (có vẻ) thật là hoàn hảo và viên mãn.

Hãy dừng lại việc vào Facebook hay Instagram của những “con nhà người ta” đó, nếu bạn không muốn ôm cục “GATO” to đùng vào người. (Tất nhiên, lời khuyên này không dùng cho những ai “miễn nhiễm”)

Dù biết là khó, bạn hãy thử cho Facebook vào danh sách hạn chế truy cập của bạn và dành thời gian đó để phát triển bản thân mình. Rốt cuộc thì ta đang sống cuộc đời của mình, và chỉ có 1 lần thôi, nên hãy tập trung vào việc làm cho nó tốt hơn mỗi ngày.

4. “Thiết kế” lại những mục tiêu, kì vọng theo hướng thực tế hơn

Thay vì ôm khư khư lấy giấc mộng tan vỡ, hãy học cách chấp nhận những lỗi lầm và điều chỉnh mục tiêu của mình. Tôi nghĩ, chúng ta vẫn nên giữ vững ước mơ của mình, nhưng nên linh hoạt và thực tế với những mục tiêu này, tránh ôm đồm những điều mộng tưởng, sẽ càng khiến ta dễ rơi trở lại hố sâu khủng hoảng trong tương lai.

Gạt bỏ hết tất cả sang một bên, thì chẳng phải tuổi trẻ vẫn là điều tuyệt vời nhất của cuộc đời ta hay sao? Một tuổi trẻ dễ vấp ngã, dễ tổn thương, nhưng lại nhiều khát khao và sức sống nhất!

Hãy sống hết mình cho tuổi thanh xuân của mỗi chúng ta. Hãy cứ khát khao, cứ dại khờ. Và đừng để tâm hồn mình chết ở những năm tuổi 20!