Mâu thuẫn với đồng nghiệp và chìa khóa giải quyết từ Sunner

8 tiếng tại công sở mỗi ngày, ngoài phút giây hợp tác vui vẻ với đồng nghiệp, chúng ta không thể tránh khỏi sự khác biệt và những lệch pha trong quan điểm dẫn đến mâu thuẫn. Mặc dù tình huống này thường xuyên xảy ra, việc đối mặt và giải quyết sao cho đúng cách vẫn là bài toán khó với nhiều Sunner.

Xung đột về mặt cảm xúc 

Theo Sunners Hoàng Trang (HRV), mâu thuẫn thường phát sinh từ việc chưa thực sự chú tâm lắng nghe, thấu hiểu và để cảm xúc cá nhân ảnh hưởng quá nhiều trong quá trình tranh luận. 

Cụ thể thì mình đã tham gia một cuộc họp, trong đó thành viên A vừa trải qua 1 cuộc họp trước đó với những cảm xúc không vui, lại vô tình bị thành viên B phản biện với hàng loạt ý kiến trái chiều. Dù các ý kiến đóng góp nhẹ nhàng và chuẩn mực nhưng A nhạy cảm và sẵn có cảm xúc cá nhân khó chịu trước đó, vì vậy bạn đã không kiểm soát được ngôn từ và các lập luận. Các tranh cãi lên đến cao trào, cuối cùng buổi họp phải dừng lại vì cả 2 nhận thấy đang bị chi phối cảm xúc tiêu cực lẫn nhau”. 

Đồng thời, Sunner H. (giấu tên) cũng chia sẻ câu chuyện mình từng chứng kiến khi các nhân vật đặt cái tôi cá nhân lên quá cao khiến mối quan hệ trở nên căng thẳng. 

“Đó là khi có một sự cố bất ngờ xảy đến, hai đồng nghiệp của mình khẩn trương tìm cách giải quyết nên gấp gáp đưa ra phương án của bản thân với tông giọng có phần "ra lệnh". Vì không kịp giải thích cho nhau hiểu nên cả hai đi đến hiểu lầm, cãi vã và phản ứng thái quá ngay không gian chung khiến tất cả đồng nghiệp đều nhìn thấy. Sau sự việc, phải mất 1 tuần sau đó cả hai mới nói chuyện với nhau bình thường."

Có thể thấy một điều rằng:

"Sự khác biệt về quan điểm là nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn, nhưng chính cảm xúc mới là yếu tố đẩy mọi thứ đi xa hơn.''

Trong câu chuyện của Trang, việc dừng ngay chủ đề đang tranh cãi chính là biện pháp hiệu quả nhất lúc đó, và đó cũng chính là cách mà 2 nhân vật đã áp dụng. Hai bạn cần một khoảng thời gian để bình tĩnh lại và sắp xếp một buổi họp khác để tiếp tục thảo luận.

Nếu là nhân vật chính trong câu chuyện xung đột trên, Sunner H cho rằng việc đầu tiên cần làm sẽ là "Hít một hơi thật sâu. Nếu đối phương gay gắt trước, mình sẽ lắng nghe hết những gì họ nói rồi mới suy nghĩ và trả lời với sự rõ ràng, đi thẳng vào trọng tâm của vấn đề, không dài dòng giải thích hay cuống quýt nôn nóng". 

Trong quá trình tranh luận, dù đồng ý hay không đồng ý với ý kiến đối phương, mỗi chúng ta đều cần tỉnh táo, có một cái đầu lạnh để tập trung giải quyết vấn đề thay vì chú ý vào cảm xúc của bản thân. Kiểm soát tốt cảm xúc cá nhânlắng nghe nhiều hơn để đưa ra những quyết định khôn ngoan, tránh những ảnh hưởng xấu trong mối quan hệ với đồng nghiệp. 

Xung đột về nhiệm vụ 

"That’s not a bug, that’s a feature" là một câu đùa thường thấy trong giới công nghệ, về việc có thể biến một "lỗi – bug" trở nên hợp lý bằng cách gọi luôn nó là tính năng. Và thật thú vị khi có đến 2 Sunners trao đổi với Sun* News rằng câu đùa nổi tiếng này thường trở thành lý do nảy sinh mâu thuẫn không đáng có.

Với tính chất công việc của 1 QA, Sunner Xuân Mai (CEV14) cho biết bản thân thường hay xảy ra mâu thuẫn với Dev từ việc bất đồng quan điểm và không thống nhất trong xử lý issue của dự án. 

“Trong một lần thực hiện task, mình phát hiện 1 issue và quyết định log bug cho Dev fix. Tuy nhiên khi nhận được ticket đó, bạn Dev lại không đồng ý và một mực khẳng định đó là một tính năng. Cả hai đã tranh cãi rất nhiều, thái độ của mình và bạn lúc đó đều khá mất bình tĩnh”

Hãy cùng lắng nghe câu chuyện tương tự, nhưng từ phía Dev. Sunner Phạm Ngọc (CEV07) kể lại: 

"Trước mình có làm 1 dự án với khách hàng rất khó tính và giao diện cần làm perfect pixel cho các màn hình. Lúc đó mình bị log khá nhiều các bug lệch 0.1px 0.2px 0.3px do QA dùng tool đo ra được. Lúc đầu mình có check và sửa nhưng sau đó mình thấy những bug lệch này với mắt thường nhìn vào thì không thế thấy khác biệt được. Mình trao đổi lại với QA nhưng QA báo vẫn cần phải fix vì trước đây có trường hợp lệch 1px khách hàng cũng đã chỉ ra với team rồi. Mình vẫn fix nhưng sau đó những bug như vậy càng nhiều hơn và trong bối cảnh dự án cận kề release, mình thấy khá tốn thời gian và cần ưu tiên fix những lỗi khác có thể thấy được bằng mắt thường. Dù là mâu thuẫn không quá lớn nhưng cả hai bên đã phải tranh luận khá lâu về việc này”.

Có thể thấy, xung đột trong nhiệm vụ là việc thường gặp đối với Dev và QA, khi bên nào cũng muốn làm tốt nhất vai trò của mình. 

Theo Mai, dưới góc độ của QA, quan trọng nhất vẫn là tìm ra cách giải quyết vấn đề của khách hàng chứ không phải là phân định thắng thua

"Trong trường hợp đó nếu được quay lại, Mai sẽ chọn cách bình tĩnh phân tích yêu cầu cùng mong muốn của khách hàng, rồi ngồi với Dev để trao đổi góc nhìn của 2 bên. Không chỉ thế, ngồi cùng nhau thảo luận về thiết kế và giải pháp có thể làm cho các bạn Dev nhận thức được các vấn đề và lĩnh vực khác nhau để nâng cao chất lượng sản phẩm."

Còn theo Ngọc, dưới góc độ của Dev, cần thấm nhuần tư tưởng rằng:

Mục tiêu chung cuối cùng của cả team là chất lượng sản phẩm, vì vậy chỉ cần tập trung xác định đúng vấn đề và cùng nhau giải quyết là ổn. Cả QA hay Dev đều cố gắng làm tốt phận sự của mình nên đôi lúc quan điểm sẽ khác nhau và cái nhìn chưa thực sự thấu đáo. Chỉ cần đồng lòng, đôi bên sẽ thấu hiểu nhau hơn và mâu thuẫn cũng bé lại. Như trong trường hợp của mình, sau khi trao đổi giữa các bên thì cả dự án đã quyết định những chỗ lệch nhỏ hơn 0.5 pixel thì không cần phải fix nữa và đánh thứ tự ưu tiên cho các bug cần fix - một giải pháp vẹn cả đôi đường". 

Cũng liên quan đến xung đột về nhiệm vụ, Sunner Ngọc Tấn (CEV11) cho biết anh hay bắt gặp tâm lý đổ lỗi khi gặp vấn đề của các thành viên trong dự án.

“Khi phát sinh vấn đề hay những lỗi kỹ thuật mà mọi người chưa nắm rõ, thay vì tập trung điều tra giải quyết, anh em đôi lúc có tâm lý đùn đẩy và đổ lỗi cho nhau. Việc này khiến cho nạn nhân bị đổ lỗi cảm thấy khó chịu và không còn muốn hợp tác nữa.”

Bất kỳ ai cũng có thể là nạn nhân và sau đó là tác nhân của “trò chơi đổ lỗi” này. Để giải quyết mâu thuẫn phát sinh từ thói xấu này, Tấn chia sẻ cách bạn thường xuyên dùng

Bước 1: Thay vì nói "Lỗi này có thể là do phía A, phía B" thì thay bằng "Để em/mình tìm hiểu kỹ lại vấn đề này nhé”.

Bước 2: Có thể chủ động đưa ra giải pháp cho vấn đề trước, sau đó trao đổi lại với đối phương và cùng nhau tìm cách giải quyết. 

Nhắn nhủ đến độc giả, Tấn cho rằng đồng nghiệp là những người ta gặp gỡ và làm việc suốt 8 tiếng mỗi ngày, nên khéo léo giữ hòa khí là điều quan trọng nhất

Tạm kết:

Xử lý mâu thuẫn với đồng nghiệp đúng cách sẽ mang lại mối quan hệ vững chắc, thấu hiểu nhau hơn. Ngược lại, việc xử lý còn vụng về có thể khiến bạn lún sâu hơn vào những bất đồng không đáng có. 

Để giúp các Sunners vượt qua mọi mâu thuẫn và phát triển bản thân trong môi trường lành mạnh, Sunners Hồ Tuấn (CEV04) “mách nước” một vài bí kíp để chúng ta cùng nằm lòng trước/trong và cả sau khi vướng vào một mâu thuẫn nào đó:

  • Luôn giữ sự bình tĩnh và kiểm soát cảm xúc của mình, không nóng nảy hay lăng mạ người khác.
  • Tránh tiếp xúc với đồng nghiệp đối đầu khi còn tức giận hay căng thẳng, để có thời gian suy nghĩ và xem xét lại vấn đề.
  • Không nói xấu hay phát tán tin đồn về đồng nghiệp đối đầu, để tránh làm tổn thương đối phương hơn.
  • Suy xét kỹ phương án đối phó và tìm ra điểm chung giữa hai bên, để có thể hòa giải và thống nhất được vấn đề.
  • Lắng nghe và trò chuyện một cách thân thiện và tôn trọng với đồng nghiệp đối đầu, để hiểu được quan điểm và mong muốn của họ.
  • Chủ động tiếp xúc và xin lỗi nếu mình có sai sót hay làm phiền người khác, để bày tỏ sự thành thật và thiện chí của mình.

Mong rằng những câu chuyện “người thật việc thật” và lời khuyên từ các Sunners sẽ hữu ích cho tất cả chúng ta để có được cuộc sống văn phòng thật vui và ý nghĩa!