Nếu còn giữ thói quen chỉ trích thì đừng nghĩ đến chuyện thăng tiến?

Bản năng của con người khi sinh ra đã rất giỏi vạch lá tìm những điểm chưa tốt nhưng lại tỏ ra rất kém khi nhìn nhận điểm tốt của người khác. Khả năng nói thao thao bất tuyệt thường không cần học, vì nó có sẵn. Nhưng khả năng lắng nghe, thấu hiểu người khác thường đòi hỏi người ta phải dành nhiều thời gian và sự kiên nhẫn để học.

Bạn có bao giờ tự hỏi, mình thường có thói quen chỉ trích người khác? Chiều ngược lại, bạn đã bao giờ bị ai đó chỉ trích chưa? Tâm lý và phản ứng của bạn lúc đó thế nào? Bạn thích cảm xúc lúc đó chứ? Tôi cá rằng đó là tâm trạng lúc đó không hề dễ chịu chút nào, cá nhân tôi cũng không ngoại lệ. Thậm chí, chúng ta còn nhớ nó rất lâu và chuyển biến thành nhiều thứ cảm xúc và hành động tiêu cực khác.

Có một câu chuyện như thế này tôi muốn chia sẻ với các bạn. Trong cuộc họp sáng của team, một bạn intern mới join dự án rất hào hứng đưa ra ý kiến về cách thức code của team. Ngay sau đó, một bạn senior thẳng thừng mắng: “Mày mới vào mày biết gì mà nói, mày cứ làm theo đi”.

Có ai thấy tình huống này quen không?

Bỏ qua tính đúng sai của góp ý, nhưng việc bị mắng như vậy trước cả team khiến bạn intern trở nên “rất thốn”. Vì sao ư? Với tâm thế của người mới, thiếu cả kinh nghiệm lần kiến thức, còn đang bỡ ngỡ nhưng hồ hởi đóng góp ý kiến đã bị chặt chém, bạn ấy chắc chắn sẽ mất hết “tự tin” mà chuyển sang “tự ti”.

Điều này khiến cho chúng ta đặt ra câu hỏi về cái được gọi là “văn hóa chỉ trích” đang tồn tại ở Framgia. Lâu nay, từ ban giám đốc đến mọi nhân viên đều đồng lòng xây dựng văn hoá cởi mở, lắng nghe và chấp nhận sự khác biệt, kích thích sáng tạo. Nhưng đâu đó trong một số dự án, một số bộ phận, cá nhân vẫn còn tồn tại tư tưởng đi ngược lại tôn chỉ mà cả công ty đang hướng đến.

Vậy tại sao con người lại thích chỉ trích, đặc biệt là người Việt Nam? Tôi có thể chỉ ra một số lý do cơ bản sau đây:

Một là, bản năng của con người khi sinh ra đã rất giỏi vạch lá tìm những điểm chưa tốt nhưng lại tỏ ra rất kém về nhìn nhận điểm tốt của người khác. Đây được xem là dạng tài năng bẩm sinh, không cần ai dạy.

Hai là, người ta có xu hướng thích làm theo ý mình, sợ sự khác biệt và thay đổi. Khi có một ý kiến, ý tưởng, quan điểm khác biệt, bất kể nó đúng hay sai, dù khi chưa nghe hết chuyện, việc đầu tiên họ nghĩ là tìm nghĩ cách phản ứng lại.

Ba là, khả năng nói thao thao bất tuyệt thường không cần học, vì nó có sẵn. Nhưng khả năng lắng nghe, thấu hiểu người khác thường đòi hỏi người ta phải dành nhiều thời gian và sự kiên nhẫn để học. Bạn chú ý, tôi dùng từ “lắng nghe” chứ không chỉ đơn thuần là “nghe”.

Bốn là, khi nói về những điểm yếu của người khác, người ta thường có cảm giác trở nên uy quyền hơn. Đặc biệt là khi bạn có chút chức vụ và kinh nghiệm hơn người khác.

Chỉ trích có mang lại cho người ta lợi ích gì về mặt tinh thần hay vật chất không? Câu trả lời là không, thậm chí, họ còn đánh mất sự tôn trọng và cảm phục từ những người xung quanh. Về phía người chỉ trích, nó làm họ trở nên xấu xí, già nua với những suy nghĩ tiêu cực.

Cái nguy hiểm ở chỗ, sự chỉ trích chỉ cần số lượng nhỏ thôi, nhưng hậu quả nó gây ra là vô cùng lớn. Phân tích tiếp tình huống trên, thái độ “thẳng thừng” kia không chỉ kiến người bị chỉ trích trở nên tự ti, thụ động mà còn khiến họ chán ghét cả team, bộ phận lẫn công ty. Thứ tình cảm tiêu cực ấy có thể còn lây lan sang những người khác khi bạn đó nói chuyện và khuyên những người xung quanh: “Ở đây, chúng mày đừng nói hay tham gia ý kiến gì cả, tốt nhất nói gì làm nấy”.

Vì thế, những lời “gay gắt” như vậy chính là nguồn cơn của chia rẽ nội bộ, tinh thần phe phái, gây mất đoạn kết. Nó ngăn cản sự khác biệt, sáng tạo và đổi mới, và thay đổi trong mỗi thành viên. Nó làm cho những mâu thuẫn, mong muốn khác biệt đi theo hướng tiêu cực.

Mâu thuẫn không xấu và sự khác biệt là tốt, bởi đây chính là động lực, cơ sở ban đầu của sự sáng tạo. Vấn đề nằm ở chỗ, chúng ta đối mặt và xử lý mâu thuẫn và khác biệt đó như thế nào mà thôi.

Tiếp tục với tình huống trên, cách xử lý đúng nên là, nếu thấy ý kiến của bạn intern không hợp lý, bạn senior nên hỏi “Lý do bạn ấy lại nói vậy?” và giải thích vì sao ý kiến đó chưa hợp lý rồi đưa ra những lời động viên để bạn ấy tiếp tục hoàn thiện kiến thức và kích thích sự đóng góp ý kiến những lần sau. Nếu thật sự cần claim, bạn senior nên nói chuyện riêng 2 người để góp ý và phân tích đúng sai.

Tôi thích Tết, nhất là khoảng thời gian cuối năm. Lúc đó, con người có xu hướng sống cởi mở hơn, lắng nghe nhau hơn, hài hoà hơn, bao dung và dễ dàng tha thứ cho nhau hơn. Tôi hy vọng khi làm việc, xử lý vấn đề, mỗi chúng ta sẽ giữ được tinh thần đó. Chỉ trích vốn không phải đặc tính của con người, nó hình thành trong quá trình chúng ta trưởng thành và bị tác động bởi gia đình, bạn bè, trường học, đồng nghiệp, công ty và xã hội. Một người ưa chỉ trích thường sẽ có xu hướng chỉ trích ở mọi mặt trận, nếu họ thường chỉ trích ở công ty khi về nhà, họ sẽ thường xuyên làm điều đó với ba mẹ, anh em, vợ và con cái cái họ, thậm chí cả với “mụ” hàng xóm lắm lời.

Một tin vui cho chúng ta là, chỉ trích không khó sửa. Nó là thái độ, thói quen, không phải tính cách. Đôi khi người ta chỉ trích vì không ai chỉ cho họ thấy, thái độ đó là xấu và cần thay đổi. Khi đã được chỉ ra rồi, dù vì bất cứ lý do gì, chúng ta hãy sửa, bởi  trước hết nó tốt cho chính bạn. Bên cạnh đó, nó sẽ giúp sự nghiệp của chúng ta trở nên tốt hơn rất nhiều.

Tin tôi đi, không ai có thể tiến xa trong sự nghiệp nếu vẫn giữ thứ tính cách luôn sẵn sàng “tấn công” người khác. Cá nhân tôi sẽ không bao giờ đề xuất một người lên vị trí cao hơn nếu họ suốt ngày có xu hướng chỉ trích người khác.