Nguyên nhân bí ẩn khiến điểm Ho-ren-so của Sunners luôn là một trong các tiêu chí thấp nhất

Với ý nghĩa ‘Báo cáo - Liên lạc - Trao đổi’, Ho-ren-so là một trong những tiêu chí quan trọng của hệ thống ghi nhận kết quả làm việc của nhân viên tại Sun*. Nhưng thật đáng buồn, một số liệu thống kê không chính thức cho thấy, điểm số của tiêu chí này trong hệ thống rank lại chỉ ra, ‘Sunners có điểm Ho-ren-so rất thấp’. Điều gì khiến cho chúng ta ngần ngại trước báo cáo, khi gặp vấn đề thì tìm cách quanh co, đổ lỗi cho hoàn cảnh hoặc người khác?

Ho-ren-so không phải tự nhiên mà trở thành một trong những tiêu chí trong Hệ thống ghi nhận kết quả làm việc của nhân viên tại Sun*. Tiêu chí này thúc đẩy mọi cá nhân phải thường xuyên báo cáo với cấp trên về tiến độ công việc, những sự cố phát sinh hay những vấn đề đã được hoàn tất để cập nhật thông tin và bàn bạc cách giải quyết vấn đề.

Nhưng điều gì đã khiến cho thang điểm Ho-ren-so của nhân viên Sun* lại thấp đến vậy. Câu trả lời là vì, nhiều người ngại ‘báo cáo, trao đổi’ về lỗi sai của mình.

Cái tôi quá lớn khiến chúng ta ngần ngại khi phải báo cáo lỗi sai của mình. Minh họa: Mattias Käll

Mỗi lần gây ra lỗi, điều đầu tiên họ làm là ‘khoa môi, múa mép’, giải thích từ châu Á sang châu Âu, từ Hà Giang tới Cà Mau. Tất cả chỉ vì không muốn thừa nhận lỗi sai.

Như đã nói, chúng ta bị mắc kẹt lại ở bước báo cáo do nỗi sợ bị đánh giá là kém cỏi. Nhưng nếu chúng ta đầu hàng trước nỗi sợ, thì tâm trí của chúng ta lại bị ám ảnh và trói chặt vào những sai sót đó cùng với nỗi sợ bị "bóc phốt" ngày một tăng.

Sợ hãi đối mặt với cái sai, nhiều người quên mất một điều, bạn càng cố gắng giải thích càng chỉ làm mất thời gian và khiến cho người khác cảm thấy khó chịu. Nguyên nhân dẫn đến sai sót thì muôn hình vạn trạng, nhưng cách giải quyết chỉ có một: Chia sẻ bằng một thái độ thành thực và tập trung khắc phục vấn đề. Nhà bao việc, ai có thời gian ngồi nghe giải thích? Cả sếp lần đồng nghiệp sẽ đánh giá cao những người biết nhận lỗi và sửa lỗi.

Chính với tâm thế ‘ngụy biện’, không những điểm Ho-ren-so của bạn thấp mà ngay cả điểm teamwork của bạn cũng khó cao.

Chúng ta cố gắng ngụy biện để người khác có thêm thiện cảm với mình. Nhưng thật ra không phải. Minh họa: Mattias Käll

Thay vào đó, chỉ với một sự thành thực nhận sai, chúng ta đã cho bản thân mình sự thanh thản và một tầm nhìn thoáng hơn, đủ để tìm hiểu ra cốt lõi của vấn đề.

Không thể phủ nhận, môi trường giáo dục và xã hội của Việt Nam đã tác động không ít đến thái độ làm việc của chúng ta: Khi chúng ta còn nhỏ và ngồi ghế nhà trường, mọi sai lầm bị chỉ trích bằng đòn roi, bản kiểm điểm. Khi chúng ta sống trong xóm làng, mọi cử chỉ "khác người" sẽ bị soi mói và đàm tiếu. Lâu dần, chúng ta hình thành nên tâm thái sợ hãi trước những sai lầm của bản thân và mất khả năng nhận sai. Có những trường hợp bạn biết mình sai, bạn âm thầm "fix" nó, nhưng bạn lại chẳng đủ dũng khí để thừa nhận chẳng hạn.

Tổ chức chỉ đánh giá cao những người sẵn sàng nhận lỗi và tìm cách sửa sai, chẳng ai thích những người ngụy biện cả. Minh họa: Mattias Käll

Vì thế, việc nhận sai và trình bày của mỗi nhân viên, cũng rất cần sự hỗ trợ của những bậc lãnh đạo.

Tôi còn nhớ ngày làm ở công ty cũ, cũng là một doanh nghiệp IT của Nhật, thì bác General Manager phụ trách giám sát chung cho các dự án luôn nhắc đi nhắc lại một câu: "Có sai sót gì thì báo cho PM, PM giải quyết không được thì báo ngay cho tôi. Nếu mọi người không trung thực với nhau thì không thể nào tìm ra cách giải quyết được cả". Và bác GM ấy là một người Nhật điển hình, nên đi kèm với lời nói luôn là hành động cụ thể: Khi nhận báo cáo về Incident từ các member hay PM, bác GM ấy luôn hỏi một câu: "Đã có cách khắc phục gì chưa? Có cần tôi hỗ trợ hay nhờ khách hàng hỗ trợ gì không?". Chính nhờ thái độ tiếp nhận thẳng thắn này, mà các member đã mạnh dạn hơn trong việc báo cáo về những sự cố trong dự án, và cũng có tâm lý thoải mái hơn trong việc thừa nhận sai sót, để qua đó xúc tiến nhanh việc khắc phục hậu quả.

Có thể thấy, nếu muốn nhân viên dũng cảm và thẳng thắn hơn trong việc báo cáo sự cố, người lãnh đạo (PM/GL/SM) cũng cần cởi mở trong việc tiếp nhận những "tin xấu" này. Hãy để nhân viên thấy rằng thứ duy nhất cần tìm không phải là những hình phạt, mà là nguyên nhân sâu xa dẫn đến việc vừa xảy ra (và thậm chí tái phát).

Hành xử chuẩn mực - Trí lực tập trung - Hoàn thành sứ mệnh. Hãy là một Sunner “stay focused”.

Phan Duy Van

Chạn Vương 9x


32 Bài đăng

#ho-ren-so

#tập trung