"Thất đại tội" - Kì 2: Sự phẫn nộ
Cuộc sống chưa bao giờ là dễ chịu cả. Nó đầy rẫy những bất ngờ oái ăm, những tổn thương vô lý và những khó khăn không ngừng xuất hiện. Tại những giai đoạn khác nhau của đời người, chúng ta chọn những cách phản ứng khác nhau đối với những sự bất bình mà cuộc đời mang lại.
Khi còn thiếu niên, chúng ta nóng nảy và dễ lao vào những cuộc ẩu đả, những cuộc tranh cãi đầy lời miệt thị. Sau này khi đã trưởng thành hơn, chúng ta học được cách kiềm chế cảm xúc, nên những cơn giận cũng được giấu sau chiếc mặt nạ bình thản ta đeo.
Thế nhưng, bùng nổ hay che giấu thì phẫn nộ vẫn ở đó. Và những ai buông mình cho nỗi phẫn nộ, đểu phải chịu khổ đau trong lớp bùn của sông Styx (dòng sông địa phủ). Dante Alighieri đã miêu tả nhục hình dành cho những kẻ này trong tác phẩm Thần Khúc của mình theo một cách rất độc đáo.
Với những kẻ phát tiết phẫn nộ thành hành vi bạo lực thì hình phạt của họ là:
"Họ đánh lẫn nhau, nhưng không phải bằng tay
Mà bằng đầu, bằng ngực và bằng chân
Và dùng răng đớp nhau từng miếng một"
Còn những kẻ để nỗi tức giận trong lòng thì:
"Đứng trong bùn họ nói:
Xưa chúng tôi đã sống buồn chán.
Mặc không khí dịu êm và ánh mặt trời rạng rỡ
Vì chúng tôi mang trong mình
những luồng khói u buồn."
Có thể thấy cách miêu tả hình phạt của những kẻ chìm đắm trong Phẫn Nộ có phần khác với hình dung vốn có của chúng ta: cảm xúc giận dữ thường được ví như ngọn lửa bùng lên thiêu đốt tâm hồn, vậy mà hình phạt cho tội lỗi này lại là một dòng sông đục ngầu những bùn. Vậy tại sao Dante lại chọn hình ảnh ấy để làm nơi giam giữ và tra tấn những linh hồn phẫn nộ?
Có lẽ Dante muốn nói đến những cảm xúc tiêu cực kéo theo nếu ta buông mình cho sự giận dữ: Dù bạn chọn cách bùng nổ hay âm ỉ giận dữ, thì những cảm xúc tiêu cực đi kèm cơn giận sẽ nhấn chìm bạn, vùi lấp bạn dưới sức nặng của chúng để bạn không thể dễ dàng thoát ra được.
Hãy nhớ đến lần gần đây nhất bạn để cơn giận làm chủ cảm xúc của mình, bạn có thấy lòng mình chùng lại khi hối hận vì đã trót đả thương ai đó, hay buông lời miệt thị một người thân yêu của mình? Hãy nhớ đến những ngày ôm cơn giận âm ỉ, nơi trái tim của bạn phải chăng cũng thắt lại, hơi thở nặng nề vì lồng ngực đang ngập trong cơn giận không nơi trút bỏ?
Vậy đấy, chính những hối tiếc, đau đớn, cồn cào mà cơn giận đem lại đã làm nên lớp bùn trên dòng sông Styx tanh tưởi, hành hạ những linh hồn phẫn nộ mãi mãi.
Vậy làm thế nào để giữ mình không rơi xuống dòng sông đầy đau khổ ấy, khi mà bản thân chúng ta là những sinh vật máu nóng, còn chưa thoát khỏi những sân si của mình?
Điều này làm tôi nhớ đến câu chuyện về một vị nông dân và một lãnh chúa. Vị lãnh chúa đến nhà người nông dân thu thuế. Khi thấy căn nhà tồi tàn chẳng còn gì để thu, vị lãnh chúa tức giận tuốt kiếm định chém chết người nông dân. Người nông dân, vốn từng được ăn học, mới bình tĩnh nói:
Thầy tôi, một bậc thiền sư đã dạy : "Đừng quyết định khi đang nóng giận".
Vị lãnh chúa nghe thấy có lý, liền cảm ơn người nông dân và bỏ về. Khi về đến nhà thì trời sẩm tối, ông lặng lẽ đi vào phòng ngủ. Đáng giận thay, trên giường ngủ là vợ ông, đang ôm một người đàn ông khác!
Ông toan rút kiếm chém chết đôi "gian phu dâm phụ" này, nhưng chợt nhớ đến lời người nông dân, lãnh chúa thắp đèn và gọi vợ dậy. Khi hai người trên giường thức dậy, thì ông kinh ngạc nhận ra người ngủ chung giường với vợ ông là mẹ ruột của mình! Vợ ông bảo:
''Thiếp sợ có kẻ xấu vào phủ, nên nhờ mẹ mặc quần áo của chàng và nằm ngủ chung với thiếp."
Vị lãnh chúa nghe thế thì thầm cám ơn người nông dân. Sau đó ông ta đã xóa nợ, ban thưởng cho người nông dân nọ.
Có thể thấy, trong hai lần nổi cơn lôi đình, những điều tích cực từ bài học của người nông dân đã giữ cho vị lãnh chúa được bình tĩnh. Vậy thì, còn cách nào để ngăn những sự tiêu cực kích động chúng ta tốt hơn việc suy nghĩ lạc quan, tìm ra vấn đề chứ?
Đừng chỉ ngồi mong đợi một điều kì diệu, một tương lai tốt đẹp đến với mình. Mà đó còn là một thái độ tích cực khi ý thức được những điều tốt xấu xung quanh mình, để rồi hướng tâm trí mình đến những điều tốt đẹp, nỗ lực hành động để nhân rộng những điều tốt đẹp ấy lên.
Nếu làm được như thế, chúng ta sẽ có khả năng "hạ nhiệt" cơn giận, ngăn nó phá hỏng những điều tốt đẹp của ta.
Nếu nói tới ví dụ về sự kiềm chế Phẫn Nộ để làm điều tốt đẹp, có lẽ không gì thích hợp hơn câu chuyện của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, người đã góp công đánh bại ba lần xâm lược của quân Nguyên.
Thời xưa có câu "tiên lễ hậu binh", trước khi tiến đánh nước ta, nhà Nguyên đã cho sứ giả sang dằn mặt bằng những điều khoản vô lí và cả thái độ nghênh ngang, coi thường triều đình. Những điều ấy đã làm bùng lên cơn giận dữ trong lòng Hưng Đạo Vương. Ông đã ghi trong Hịch tướng sĩ rằng:
"Huống chi ta với các ngươi, sinh ở buổi rối ren, lớn lên nhằm khi khó nhọc, chính mắt ngó thấy sứ ngụy đi lại, đường xá ngổn ngang, chúng múa cái lưỡi cú quạ làm nhục chốn triều đình, chúng giơ cái thân chó dê, kiêu ngạo với quan tể-phụ, chúng nhờ mệnh lệnh của chúa Mông-Cổ, mà đòi nào ngọc nào lụa, sự vòi vĩnh thật vô cùng. Chúng mượn danh hiệu của vua Vân-nam mà hạch nào bạc nào vàng, của kho đụn đã hồ hết Cung-đốn cho chúng giống như đem thịt mà liệng cho cọp đói, sao cho khỏi lo về sau?
Ta thường thì tới bữa quên ăn, giữa đêm vỗ gối, nước mắt tràn xuống đầy mép, tấm lòng đau như bị đâm, vẫn lấy cái sự chưa thể ăn thịt nằm da, nuốt gan uống máu của chúng làm tức."
Nhưng con người vĩ đại ấy không vì cơn tức giận mà hồ đồ nhất thời. Sự tức giận ấy được chuyển hóa thành những hành động tích cực, và ông cũng khuyên người dưới làm theo:
"Các ngươi hãy nên huấn luyện quân sĩ, rèn tập cung tên, khiến cho người người giỏi như Bàng Mông, nhà nhà đều là Hậu Nghệ, bêu đầu Tất Liệt dưới cửa khuyết, ướp thịt Thoát Hoan trong trại rơm."
Chính nhờ biết thu lòng người, chỉ dẫn cho họ hướng đến những hành động tích cực, mà Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đã thống lãnh toàn dân, đánh bại đế quốc Mông Cổ hùng mạnh nhất thế giới thời bấy giờ.
Bài học của ông cha đã có, chúng ta hoàn toàn có thể áp dụng nó vào công việc của mình. Hãy cùng xem xét thái độ của mọi người trước một thử thách của ngành IT mang tên Incident.
Thực tế là ai cũng cảm thấy lo lắng và sợ hãi trước incident khi mà thiệt hại nó gây ra luôn rất to lớn: tiền bạc, uy tín, danh dự, tình đoàn kết v.v. của công ty. Và sẽ thật khó tin nếu một người làm trong ngành IT nói rằng họ không sợ incident.
Thế nhưng càng sợ hãi trước incident, chúng ta lại càng phải lạc quan để có thể đối phó nó một cách triệt để nhất.
Chúng ta có thể lo lắng và sợ hãi khi phát hiện ra incident, nhưng mặt tích cực là ta đã phát hiện ra nó để khắc phục và ngăn chặn những incident tương tự xảy ra ở những dự án khác.
Chúng ta có thể xấu hổ vì incident xảy ra do sự thiếu năng lực của member, nhưng đó cũng là hồi chuông cảnh tỉnh cho leader trong việc tổ chức nhân sự, đào tạo cấp dưới.
Chúng ta có thể bất ngờ vì incident đến từ yếu tố bên ngoài, vậy thì đây sẽ là lúc nhìn lại những nguy cơ tiềm tàng khi sử dụng yếu tố bên ngoài vào các dự án của công ty.
Incident trong công việc hay trong cuộc sống thì cũng như nhau cả thôi, chúng kéo theo hàng loạt những cảm xúc tiêu cực. Lớp bùn giam giữ những linh hồn phẫn nộ trên dòng sông Styx dài vô tận cho thấy rằng : thật dễ để buông mình vào cơn nóng giận và hủy diệt tất cả.
Vì vậy, hãy luôn chuẩn bị cho mình những điều tích cực (tình yêu, bạn bè, gia đình) để có thể giữ tinh thần ở trạng thái Be Optimistic. Có thế, bạn mới giữ mình khỏi dòng Styx tanh tưởi kia.
Đón đọc kì sau: Sự tham lam