Ý tưởng này là của...đứa nào?

Code là thơ, nhưng thơ liệu có phải Code?

Lại là Thánh Code, sau khi nhận được sự tham vấn từ “Biệt đội bảo vệ công lý” của Sun*, đã có màn giới thiệu xưng danh “nhà thơ code” đầy thuyết phục, thể hiện kiến thức uyên bác trước sự ngỡ ngàng của 'crush'. Trong những phút giây vui vẻ suy nghĩ “Code cũng là nghệ thuật, vậy thì lập trình viên hẳn phải là nghệ sĩ?”, niềm đam mê của chàng thanh niên lại trỗi dậy mãnh liệt, Thánh Code chợt lóe lên ý định gia nhập làng thơ văn một cách chân chính. 

Nghĩ là làm, Thánh Code bắt đầu lượn lờ mấy trang web “cùng ngành”, và đặc biệt ấn tượng với cái tên Đạo Sĩ - tác giả nổi đình nổi đám với cuốn tiểu thuyết đã được nhắc đến ở kỳ trước. Đọc thử đôi trang tác phẩm mới đây của Đạo Sĩ, Thánh Code thấy cũng đi vào lòng người, vẩn vơ suy nghĩ về sự nghiệp thơ văn của mình, rồi chợt nhận ra vài dòng quen quen, vắt óc suy nghĩ “Ơ, mình đã đọc đâu đó rồi, bạn tri kỷ Văn Sĩ viết mà, đây là đạo văn của bạn mình ư…”

Với kiến thức sâu rộng sau khi được “giác ngộ” qua những Bản tin pháp luật của Sun*, Thánh Code quyết chí bảo vệ quyền tác giả của bạn mình, nhân tiện thể hiện với quần chúng theo dõi.

Và sau đây là màn đối đáp giữa những “chàng thơ” Thánh Code và Đạo Sĩ:

Thánh Code: "Tui nói bạn nghe nè, bạn có biết ai là tác giả của những dòng văn thơ bay bổng này không, có hiểu quyền tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả là thế nào không? Lần trước bạn đạo ý tưởng của ông bạn tri kỷ của tui thì thôi cũng tạm cho qua đi, lần này bạn sao chép tác phẩm của người khác trong “im lặng” như thế là không được.

Bạn tui - Văn Sĩ, bằng tất cả tâm hồn của người nghệ sĩ đã sáng tác ra những dòng thơ văn đó, là tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả, có quyền nhân thân và quyền tài sản đối với tác phẩm, cho nên phải có sự cho phép của bạn tui, thì bạn mới được phép sao chép nhé." 

 

Đạo Sĩ: "Lần trước tui “mượn” ý tưởng của Văn Sĩ, không có vi phạm quyền tác giả hay chủ sở hữu quyền tác giả, vì ý tưởng mới chỉ được vẽ ra trong suy nghĩ, đâu có được coi là tác phẩm đã hình thành, đâu có được thể hiện dưới một hình thức nhất định, ví dụ như đăng bài trên web, phát hành sách, báo hay một hình thức nào đó.

Dù là vậy, thì sau lần đó, bằng nhận thức sâu sắc về tác giả và quyền tác giả, tui cũng “cải tà quy chính” rồi. Lần này tui chỉ “mượn” vài dòng trong bài viết đã được đăng trên mạng mà quên chưa thông báo với Văn Sĩ, mà dùng từ cho chính xác là “trích dẫn” nguyên văn mấy câu làm lời tựa cho truyện của tui, cũng không có vi phạm gì cũng không có làm ảnh hưởng đến quyền tác giả của Văn Sĩ, theo quy định thì cũng không nhất thiết phải xin phép, không tin thì bạn hỏi “Biệt đội bảo vệ công lý” mà xem, tui cũng thường đọc Bản tin pháp luật đó bạn." 

 

Vô tình được nhắc tên, “Biệt đội” sẵn sàng thể hiện sứ mệnh chân chính của mình:

Biệt đội bảo vệ công lý: "Theo quy định, khi trích dẫn hợp lý tác phẩm đã được công bố mà không làm sai ý tác giả để bình luận hoặc minh họa trong tác phẩm của mình thì không phải xin phép cũng không cần trả tiền nhuận bút, thù lao (Điều 25.1 Luật sở hữu trí tuệ). Vậy khi nào được coi là hợp lý? Là khi phần trích dẫn đáp ứng được điều kiện sau:

Phần trích dẫn chỉ nhằm mục đích giới thiệu, bình luận hoặc làm sáng tỏ vấn đề được đề cập trong tác phẩm của mình. 

Phần trích dẫn từ tác phẩm được sử dụng để trích dẫn không gây phương hại đến quyền tác giả đối với tác phẩm được sử dụng để trích dẫn; phù hợp với tính chất, đặc điểm của loại hình tác phẩm được sử dụng để trích dẫn. 

Cho nên, Đạo Sĩ dù có vui vui trích dẫn nguyên văn vài dòng làm lời tựa dẫn dắt cho câu chuyện của mình thêm phần sinh động, văn vẻ, nhưng không gây ảnh hưởng đến quyền tác giả của nhà văn chưa nổi Văn Sĩ, thì bỏ qua bước xin phép bạn cũ cũng không có gì là sai. 

Ngoài ra, trường hợp sao chép tác phẩm nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, giảng dạy không nhằm mục đích thương mại; hay trích dẫn tác phẩm mà không làm sai ý tác giả để viết báo, dùng trong ấn phẩm định kỳ và một số trường hợp khác (Điều 25.1 Luật sở hữu trí tuệ) cũng tương tự như vậy, không cần xin phép và không cần trả tiền nhuận bút, thù lao cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả." 

Nhận được lời giải thích của “Biệt đội bảo vệ công lý”, Thánh Code cũng vỡ ra nhiều điều, nhưng thấy hơi quê quê nên cố gắng thể hiện mình cũng có kiến thức, hiểu biết, bắt đầu tự tin trở lại:

Thánh Code: "Pháp luật thừa nhận chương trình máy tính cũng được coi là một tác phẩm văn học (Điều 22.1 Luật sở hữu trí tuệ), dòng code là dòng thơ, vậy thì hẳn là tui sao chép những dòng code của anh em đồng nghiệp để “nghiên cứu” cũng được chứ nhỉ?

Để trả lời câu hỏi của Thánh Code, chúng ta hãy nhanh mắt soi ngay đến Điều 25.3 Luật sở hữu trí tuệ, sẽ thấy quy định việc sao chép tác phẩm dù là với mục đích nghiên cứu, không nhằm mục đích thương mại thì cũng không áp dụng đối với chương trình máy tính. Điều đó cũng không có gì lạ bởi xuất phát từ đặc thù của chương trình máy là tập hợp các chỉ dẫn được thể hiện dưới dạng các lệnh, các mã, lược đồ hoặc bất kỳ dạng nào khác (Điều 22.1 Luật sở hữu trí tuệ). Theo đó, Thánh Code không thể tùy ý sử dụng những dòng code của anh em tùy theo tâm trạng nghệ sĩ của mình được. Đôi khi cảm thấy buồn chán, Thánh Code có thể “trích dẫn” đôi dòng code của anh bạn thân ngồi kế bên để làm lời dẫn cho tác phẩm thơ con cóc của mình thì cũng có thể chấp nhận. 

“Code là thơ nhưng thơ chưa hẳn là code, từ giờ phải tém tém lại thôi, chứ cứ được đà làm tới thì không ổn, Bản tin pháp luật cũng được quần chúng theo dõi nhiều chứ bộ” - là những gì Thánh Code rút ra được từ bài học lần này để tránh mắc phải những ngộ nhận về sau. 

Đến đây thì Thánh Code khó có thể gỡ gạc được gì nữa rồi, nhiệt huyết thơ văn cũng theo đó hạ xuống, thay vào đó là quyết tâm cày Bản tin pháp luật sục sôi, với hy vọng giữ “vàng” thật tốt và ngày nào đó “trở lại và lợi hại hơn xưa”.

Xem thêm 1 số bài viết khác thuộc chủ đề: 

Đừng đánh mất cơ hội khai thác loại tài sản này vì thiếu hiểu biết!

Bố đẻ vs. Bố nuôi: Ai là kẻ “cướp công Thạch Sanh”?

Cầm tiền còn sợ tiền rơi, cầm được 'thứ này' đời đời ấm no

#quyền sở hữu trí tuệ

#Sun* Legal Group