Chán đi làm thì phải làm sao?

Chắc hẳn dân văn phòng ai cũng đều trải qua cảm giác thứ 2 buồn chán (Blue Monday) và ơn giời thứ 6 đây rồi! (TGIF), dù không mấy tích cực nhưng nếu bảo rằng không bao giờ thấy chán thì có vẻ chúng ta đang tự lừa dối bản thân mình rồi nhỉ?

Dạo gần đây, tôi luôn cảm thấy mình có chút chơi vơi, lạc lõng giữa cuộc đời, giữa những mối quan hệ, ngay cả công việc mà bản thân từng rất hăng say yêu thích cũng trở nên nhạt dần đi rất nhiều. Tôi tự hỏi, lý do là gì đây?

Mỗi sáng thức giấc, suy nghĩ đầu tiên luôn là: "Nên dậy đi làm hay ngủ thêm?", cứ thế tôi cứ vật lộn mãi mới mò dậy được. Dự án đợt này cũng có nhiều áp lực, cày code liên tục mà vẫn chẳng thấy hài lòng. Lúc túng quẫn, trong đầu lại len lỏi ý nghĩ có nên nghỉ việc không, nhưng mà không đi làm, không kiếm tiền thì cạp đất mà ăn à?

Mấy đứa bạn cùng trang lứa, giờ có khi chạy lên được cung trăng rồi mà mình cứ tà tà đi bộ dưới mặt đất, cả ngày luẩn quẩn với đám deadline dí sát người. Cảm thấy bản thân muốn nhiều thứ, nhưng cũng ngại đủ thứ. Thế rồi chẳng còn cảm hứng để làm việc nữa! Cũng ngộ, người ta đi làm, mình cũng đi làm, cớ sao lại khác nhau đến vậy?

Người ta hay nói: "Hãy đứng lên từ những vấp ngã", còn đứng lên như thế nào thì người ta không nói. (Nguồn ảnh: Internet)

"Tôi không thuộc về nơi này", "Tôi đã trở nên vô hình ở nơi này", "Tôi cần có nhiều không gian hơn nữa cho bản thân!".... hàng loạt vấn đề tiêu cực cứ thế làm tôi trăn trở nhiều đêm. Mỗi lúc như thế, tôi lại tự nói với bản thân: "Nếu mày vẫn còn nghĩ như thế thì mày đã nắm chắc “tấm vé” để bước vào ngõ cụt của thành công rồi đấy!". Càng nghĩ càng thấy chán! 

Những ngày qua là những ngày tồi tệ. Tôi quyết định đọc nhiều sách hơn, nói chuyện với những người thành công nhiều hơn để lấy cảm hứng. Cuối cùng, tôi rút ra được một vài điều, khiến bản thân cảm thấy hiệu quả. Tôi chia sẻ ở đây, vì biết đâu có ai đó, khi lâm vào hoàn cảnh tương tự như tôi, có thể nhờ những điều này mà vượt qua.

Theo luật hấp dẫn, nếu bạn cứ suy nghĩ mãi đến một điều gì thì nó càng dễ xảy ra, và một khi bạn liên tục tập trung nghĩ về điều đó thì khả năng rất cao là bạn tin và làm đúng như vậy. 

Mỗi ngày chán chường đến công ty, tôi nhìn ai cũng thấy họ có vấn đề với mình. Khi tiếp nhận việc từ đồng nghiệp hay sếp, tôi luôn có cảm giác họ đang làm khó mình. Với một số lượng task không nhiều, nhưng vì mệt mỏi nên tôi thiếu tập trung, hiệu quả không cao thì sếp lại nhắc nhở...Cứ thế, khi một thứ tồi tệ xảy đến sẽ kéo theo hàng loạt thứ tồi tệ khác. 

Vậy nên, khi bắt tay vào tìm cách ngăn chặn những suy nghĩ chán chường thì nó sẽ dần dần chuyển hoá thành năng lượng tích cực cho chính bản thân mình. 

Đầu tiên, để tư tưởng tích cực thì thể chất cũng phải tốt đã. Tôi ngủ sớm hơn, ăn uống điều độ (hạn chế chất béo), đặc biệt là ăn những thứ thật ngon để khiến mình hứng khởi, uống thêm vitamin (càng tốt). Tôi dành thời gian chạy bộ mỗi ngày để giải phóng năng lượng. Sau 1-2 tuần, tôi thấy tinh thần và thể chất có chuyển biến rõ rệt. 

Tiếp theo, khi đầu óc minh mẫn, sức khỏe tốt hơn, tôi tập cách nhìn mọi thứ lạc quan hơn. Khi nhận task của sếp, tôi thử đặt mình vào vị trí của họ và suy nghĩ về dự án nhiều hơn, từ đó, có thể chủ động tìm ra những cách xử lý công việc tích cực hơn. Tôi học cách kiểm soát thời gian và phân bổ công việc hợp lý. Tôi đến công ty sớm hơn và ra về đúng giờ. 

Để cải thiện mối quan hệ với đồng nghiệp, tôi cũng tập đứng vào vị trí của họ để giao tiếp hiệu quả hơn. Có thể vì thể chất tốt nên tôi cũng trông nhanh nhẹn và cười nhiều hơn, khiến mọi người thiện cảm hơn với mình. Cái này tuy nhỏ nhưng tác dụng lớn. 

Tóm lại, tôi tập trung đầu óc vào xử lý công việc dự án, tránh xa những thứ khiến cảm xúc của mình tiêu cực. 8 tiếng làm việc trên công ty, tôi càng tập trung, hiệu quả càng tốt lên. Toàn bộ thời gian cuối ngày hoặc cuối tuần, tôi dành cho sở thích cá nhân hoặc gia đình, bạn bè, người yêu. 

Và như tôi đã nói ở trên, nếu bạn suy nghĩ mãi đến một điều gì thì nó càng dễ xảy ra. Nếu bình tĩnh và khách quan nhìn nhận, vấn đề chưa chắc đã phải là vấn đề. Cảm giác chán nản trong công việc chưa chắc đã phải vì những lý do bên ngoài, tác động đến bản thân, mà mọi sự khởi phát chính từ tâm tưởng và sức khỏe của mình. 

"Hãy có thời gian cho cả công việc và hưởng thụ, khiến mỗi ngày vừa hữu ích vừa thoải mái, và chứng tỏ rằng bạn hiểu giá trị của thời gian bằng cách sử dụng nó thật tốt. Và rồi tuổi trẻ sẽ tươi vui, tuổi già không có nhiều hối tiếc, cuộc đời sẽ là một thành công tươi đẹp." - Một câu nói rất hay của Louisa May Alcott đã khiến tôi "thông não" rất nhiều! Thay vì ngồi suy nghĩ mông lung, đứng dậy thay đổi và tiếp tục làm việc sẽ giúp chúng ta "hạnh phúc" hơn mỗi ngày.

Nguồn ảnh: Internet

“Kê toa” và “bốc thuốc” cho căn bệnh mang tên “chán đi làm” là điều không dễ dàng nhưng nếu không nỗ lực thì điều này sẽ trở thành nỗi ám ảnh thường trực, muốn giấu cũng chẳng thể giấu được. Quan trọng là nếu không biết cách chữa trị thì "căn bệnh" này sẽ cản trở thành công của bạn. 

Đừng buồn, đừng sầu. Đừng gục ngã. Chuyện gì qua rồi. Đứng dậy vươn vai, cười một cái. Nỗi buồn tan hết, qua mau thôi.