Sao người ta yêu đến thế, đau đến thế?

Từ tầng 13 Keangnam nhìn xuống, đoàn xe hối hả, nắng trải đều trên những tòa cao ốc. Tôi đã từng trông thấy nhiều bức ảnh của Sunner chụp từ góc này, ra phía tòa đôi Sông Đà, có tấm nhìn tươi sáng, có tấm nom tĩnh lặng, cô đơn, dẫu là cùng một cảnh. Tôi ngồi nghe bài hát “Người con gái ta thương”, một bài hát da diết, khắc khoải của một chàng trai gửi người con gái mình yêu. “Ta thương em, thương em, ta thương em nhiều. Và...ta xót cho ta” Sao có thể thương một người đến thế, và đau xót đến thế nhỉ?

À, mình cũng đã từng mà.

Đã từng nhảy cẫng lên vì nhận được 1 dòng tin nhắn trả lời từ Crush, dẫu rằng chỉ là một câu nói cụt lủn và không có icon.

Đã từng bủn rủn tay chân, hạnh phúc và ngỡ ngàng tột bậc khi nhận được lời tỏ tình từ người mình thương nhưng đã ngỡ rằng chẳng thương mình.

Đã từng khóc lóc riết trên chuyến tàu đi từ Hà Nội tới Đà Nẵng để chạy trốn việc phải chạm mặt người mà mình yêu nhưng đã không còn yêu mình.

Lúc ấy mình đã nghĩ: Bao giờ mình mới thoát khỏi tình cảnh này, mới thôi không còn khóc khi nghĩ về người đó nữa?

Ấy thế mà bây giờ mình đã thôi khóc, thôi buồn về câu chuyện đó. Thậm chí là mình bắt đầu bước vào một con đường bằng phẳng hơn rất nhiều, chỉ là đôi khi có những vạch kẻ giảm tốc hơi sóc lên 1 chút rồi lại êm ru. Chẳng ổ gà, ổ chó, chẳng khúc khuỷu, quanh co,... Thế xong, lại ước được đi trên những cung đường lắt léo, gồ ghề, thậm chí là khiến mình ngã lăn quay ra cũng được.

Thực chất, tôi khao khát lại được yêu và được đau, được yêu hết mình và được khóc cạn những giọt nước mắt.

Điên nhỉ?

Tôi có một anh bạn, cũng là Sunner, và ngấp nghé 30. Anh bảo: Trong đời anh chưa bao giờ yêu một ai đó quá sâu đậm, chưa bao giờ nhớ nhung da diết, hay đau đớn vì họ… Và anh thèm cảm giác đó ghê gớm. Có phải bởi tính cách con người anh quá bình thản với mọi thứ.

Tôi bảo là: Không. Do anh chưa gặp được cô gái ấy thôi… 

Tôi cầu mong anh sớm gặp được người đó, người mang cho anh những nỗi nhớ, những niềm hạnh phúc tột bậc và những nỗi đau đớn xé nát con tim. Vì thứ cảm xúc đó, hay lắm!

Gần đây, tôi đọc cuốn “Tiếng chim hót trong bụi mận gai”. Tôi khóc nhiều, ở những phân đoạn người ta yêu nhau cháy bỏng hay người ta khóc đến tan nát cõi lòng. Nhưng ít phần vì thương, nhiều phần vì tiếc. Tiếc rằng tại sao mình không được sống trong những cảm xúc như thế nữa, hoặc nghĩ rằng như vậy.

Thì ra tiếng chim hót trong bụi mận gai là như thế. 

Biết là gai nhọn trước mắt, biết là sẽ đau xé tim can, biết là có thể chết, nhưng nó vẫn lao vào với một niềm không thể cưỡng lại được, để cất lên tình yêu.

Trong cuốn sách ấy, là đàn cừu chăn thả ở một miền đất rộng mênh mông, có những cây khuynh diệp khô đét vì mùa hạn kéo dài, thi thoảng bắt gặp một người đàn ông cưỡi ngựa lùa cừu. 

Là những rặng hoa hồng nở rộ, thơm ngào ngạt.

Là điền trang rộng lớn, có Fee, Meggie đang ngồi đan khăn hoặc đọc sách ở hiên, có Smith và Cat đang lúi húi dưới bếp, có các anh em của Meggie vừa đi chăn cừu về,...

Có nhà thờ,...

Mình khóc hết nước mắt, trước tình yêu và nỗi đau trong truyện. Mấy chục năm trời trôi qua, họ trải qua hết tình yêu này, đến nỗi đau nọ. Mỗi một thế hệ lại sống cùng những câu chuyện tình khác nhau, tựu chung lại, đều là những cảm xúc mãnh liệt.

Fiona - mẹ của Meggie là một người phụ nữ cam chịu, cả cuộc đời chỉ biết lúi húi trong bếp, dành mọi sự hy sinh cho chồng và con. Ở bà, người ta không nhìn thấy một tình yêu cháy bỏng, sôi nổi; mà là những tình thương âm ỉ trong lòng, thể hiện ở ánh mắt của bà khi nhìn Pad, chồng bà, ở việc bà khoác chiếc váy trắng, ngắm mình trong gương và có vẻ như đang lóe lên một khao khát yêu đương nào đó.

Nếu nói Fiona là một người phụ nữ mềm yếu thì hoàn toàn sai. Một người phụ nữ sinh ra trong gia đình khá giả, vì một vài biến cố mà được gả cho một chàng chăn cừu nghèo, và từ đó bà quanh quẩn bếp núc, sinh con. Thế nhưng, người ta vẫn dễ dàng nhìn thấy sức mạnh của bà khi gồng gánh cả gia đình, đặc biệt khi Pad không may qua đời.

Tất cả những biến cố xảy đến với ngôi nhà, với các con của bà, đều có sự xuất hiện của bà ở đó, là chỗ dựa, là người vùng dậy từ nỗi đau để tiếp tục sống và lèo lái đại gia đình.

Sự cứng đầu, không chịu an phận của Meggie rồi sau này là Justine, con chị, nếu nói là từ dòng máu của Fiona thì cũng đâu hẳn là sai.

Trung tâm của cuốn tiểu thuyết là câu chuyện tình ngang trái và dang dở của Meggie và cha Ralph, một chuyện tình bị cấm đoán bởi mọi người trong gia đình, bởi lễ giáo và thậm chí là chuẩn mực đạo đức.  Chuyện tình của cô với cha Ralph được ví như bài ca của chú chim hót hay nhất thế gian, cả hai đều phải đánh đổi cả cuộc đời để có được điều mình muốn. “Bởi vì tất cả những gì tốt đẹp nhất chỉ có thể có được khi ta chịu trả giá bằng nỗi đau khổ vĩ đại”.

Cũng chính bởi vậy mà tình yêu giữa họ bùng lên mạnh mẽ nhưng không thiếu những nỗi đau thậm chí là thù hận, đến tận cuối đời...

Và tôi lại hỏi mình: Sao người ta đau đến thế, yêu đến thế nhỉ?

Nếu đọc cuốn tiểu thuyết này, liệu bạn sẽ sợ yêu vì sợ đau như vậy, hay giống mình: thèm yêu và thèm đau như thế?...

Bạn có thể mượn cuốn tiểu thuyết này tại đây hoặc chia sẻ những cảm nhận của mình khi đọc nó nhé: (Nhớ đăng nhập WSM nha) https://book.sun-asterisk.vn/

#review sách

#tình yêu