Trước đại dịch Corona, liệu chúng ta có trở nên thảm hại như những bộ phim ám ảnh này?

Nếu chưa thể tưởng tượng ra sự tàn phá kinh khủng của dịch bệnh nói chung và Covid-19 nói riêng, thì hãy xem những bộ phim được review dưới đây!

Dịch Corona đang bùng phát trên thế giới không phải là đại dịch đầu tiên và cuối cùng trên Trái đất này. Và kịch bản chung cho những đại dịch ấy là sự lây lan của virus kéo theo cái chết của hàng triệu người cùng sự khủng hoảng lan rộng trong xã hội cho đến khi tìm được thuốc chữa/ vaccine phòng chống.

Trong cơn khủng hoảng mang tên dịch bệnh, thì điều quan trọng nhất là sự bình tĩnh của cộng đồng cùng năng lực cách ly, kiểm soát dịch của chính phủ các nước. Và để nhắc nhở nhân loại, những nhà làm phim trên thế giới đã có dòng phim thảm họa, khắc ghi lại những bài học đã được đánh đổi bằng sinh mạng của hàng triệu người.  

Những ngày phải hạn chế đến nơi công cộng này, sao bạn không thử xem qua một số  bộ phim về đại dịch để nâng cao cảnh giác nhỉ? 

1. Contagion (bản làm lại năm 2011 của điện ảnh Mỹ)

Contagion (Dịch bệnh) để lại nhiều ám ảnh cho người xem

Contagion (Dịch bệnh) là bộ phim hành động chủ đề y học của Mỹ, được đạo diễn bởi Steven Sodebergh. Bộ phim tập trung dàn cast "khủng" gồm Matt Damon, Laurence Fishburne, Jude Law, và Gwyneth Paltrow. Sử dụng cách kể chuyện đa tuyến tính rất quen thuộc của đạo diễn Sodebergh, phim kể về quá trình xảy ra đại dịch ở Mỹ và nỗ lực của các nhà dịch tễ nhằm ngăn chặn sự lây lan này.  

Để bộ phim đạt tính chân thực cao nhất, Soderbergh cùng biên kịch Scott Z. Burns đã cùng nhau thảo luận, cũng như tham vấn ý kiến của những chuyên gia dịch tễ đến từ WHO như W. Ian Lipkin và Lawrence Brilliant. Sự chuyên nghiệp này đã dành được những lời khen từ giới phê bình dành cho cách kể chuyện và màn trình diễn xuất sắc của dàn cast.  

Câu chuyện phim bắt đầu khi Beth Emhoff trở về nhà ở Chicago sau chuyến đi Hong Kong. Ngay sau khi về nước, Beth bị co giật và chết trên đường đến bệnh viện. Cậu con trai xấu số của cô cũng chịu chung số phận. Những hình ảnh đó đã mở đầu cho cơn đại dịch lan khắp Chicago rồi đến toàn nước Mĩ và thậm chí là toàn thế giới! 

Hành trình tìm ra thuốc chữa căn bệnh cũng như xác định nguyên nhân của các bác sĩ thuộc CDC (Trung tâm kiểm soát và phòng chống dịch bệnh) hoàn toàn không dễ dàng. Giữa những khó khăn về mặt y học là khủng hoảng xã hội cực kì kinh khủng: nạn cướp phá, nạn tung tin giả nhằm đẩy doanh số bán thuốc (khá quen thuộc với việc tăng giá khẩu trang và tung tin giả trên Facebook Việt nhỉ?). Những y bác sĩ cùng nhân viên chính phủ đã phải đánh cược mạng sống của mình không chỉ để chế tạo thuốc, mà còn để đối phó với đám đông đang hoảng loạn ngoài kia, có thể vì tranh giành thuốc giải mà sẵn sàng nhuộm máu hai tay. 

Có thể thấy, gánh nặng dành cho chính phủ đã có thể giảm nhẹ nếu người dân giữ được bình tĩnh. Vì chỉ có bình tĩnh mới có thể ngăn sự lây lan của virus và một thứ khủng khiếp không kém: nỗi sợ hãi. Dĩ nhiên, bình tĩnh cũng không có nghĩa là chủ quan, bất cẩn, mà ngược lại, phải triệt để chấp hành những quy trình phòng chống dịch bệnh, như lời của nhân vật bác sĩ Ellis Cheever đã nói: "Hiện tại cách phòng ngự tốt nhất của chúng ta là tạm tách rời khỏi xã hội. Không bắt tay, ở nhà khi bệnh, rửa tay thường xuyên."

Những lời của bác sĩ Ellis cũng là khẩu hiệu quen thuộc được dán ở khắp Sun* những ngày này. Việc của chúng ta là đọc, nhớ chúng và tránh xa cả những "tin sốt dẻo" kiểu "chính phủ giấu dịch, em bé vừa sinh nói rằng ăn trứng gà sẽ hết bệnh". 

2. Flu (phim Hàn Quốc, 2013) 

Sự hỗn loạn và cập rập trong tác phong phòng dịch của chính phủ Hàn Quốc khiến cho nước này trở thành ổ dịch Corona lớn thứ 2 sau Trung Quốc đã được dự báo từ trước với bộ phim Flu của đạo diễn Kim Sung-su. 

Trong bộ phim Flu, cơn đại dịch bắt đầu khi những người nhập cư trái phép lây bệnh qua hai anh em buôn người. Từ hai anh em đó và một người nhập cư trốn thoát cũng như những con chuột ăn thịt người chết trên tàu, cơn đại dịch bắt đầu lây lan khắp thành phố nhỏ Budang. Và để đẩy kịch tính lên cao, chính phủ Seoul cho quân đội cách li thành phố, đồng thời tập trung người bệnh tại một khu cách ly trong sân vận động. Sự quản lý yếu kém của nhà nước cùng tâm lí ích kỉ của người dân nhanh chóng dẫn đến bạo loạn gây tử vong cho người dân lẫn binh lính. Những người trong thị trấn nhỏ trong cơn cùng quẫn thậm chí còn quyết liều mạng vượt qua vòng kiềm tỏa của súng đạn để đem bệnh dịch đến Seoul, hòng gây sức ép bắt buộc chính phủ phải chữa trị cho tất cả bọn họ. 

Bộ phim kết thúc khi tổng thống Hàn Quốc xuất hiện tại hiện trường để kêu gọi mọi người bình tĩnh, trong khi bé gái Mi-reu, người đã bình phục hoàn toàn sau cơn bệnh thì được đưa đến Seoul để trích xuất huyết tương nhằm tạo ra vaccine.  

Nếu Contagion nêu lên những khó khăn do sự hoảng loạn gây ra, thì Flu còn là ngầm ẩn chứa một thông điệp chính trị. Bởi lẽ trong phim, ta có thể thấy chính phủ Hàn Quốc bị can thiệp bởi nước ngoài quá nhiều dù đang xử lý khủng hoảng quốc gia: có một tình tiết là Leo Snyder, ủy viên của WHO còn định thả bom xuống Budang để dập dịch. Và dĩ nhiên nếu thả bom thì người ra tay chỉ có thể là quân đội Mĩ đang đóng tại Hàn Quốc.  

Như vậy thông điệp ở đây chính là nêu cao sự quan trọng của một nền chính trị độc lập, tự chủ và kiên quyết trong việc dập tắt một cơn đại dịch, thứ có thể gây nên khủng hoảng cấp quốc gia. 

Từ hai bộ phim đến từ hai nền điện ảnh lớn cả Đông lẫn Tây, chúng ta có thể thấy rằng cuộc chiến phòng dịch Corona ở Việt Nam và thế giới vẫn còn một đoạn đường dài phía trước. Và cũng như bao cuộc chiến trước đây, mỗi người dân cần sát cánh cùng chính phủ, làm tốt vai trò của một lá chắn vững vàng cho xã hội.  Sunews sẽ đồng hành cùng mọi người trong cuộc chiến này thông qua việc cung cấp thông tin kịp thời nhất có thể. Hãy nhớ cập nhật thường xuyên các bạn nhé.

Phan Duy Van

Chạn Vương 9x


32 Bài đăng

#Covid-19

#Sun* phòng Covid-19