Làm sao để vượt qua ‘bẫy năng lực trung bình’ trong kỷ nguyên ‘hướng business’?
Nhiều người vẫn lầm tưởng rằng chỉ cần hoàn thành tốt công việc hiện tại là đủ. Thực tế, sự hài lòng với những gì "vừa đủ tốt" chính là nguyên nhân khiến họ mắc kẹt trong cái bẫy nguy hiểm mang tên "bẫy năng lực trung bình”. Hãy cùng lắng nghe quan điểm về chiếc bẫy này dưới góc nhìn của Sunners và các cao nhân đào tạo tại Sun* nhé!
Nhận diện bẫy năng lực trung bình
Không giống như thất bại hay thành công nổi bật, bẫy năng lực trung bình là một trạng thái khó nhận biết. Nó ẩn mình trong sự ổn định, trong cảm giác "đang làm tốt" và trong những kết quả ở mức trung bình.
Trong một minigame gần đây, người Sun* đã cùng thảo luận về những dấu hiệu phổ biến để nhận diện bẫy này:
- Lặp lại mà không đổi mới: Bạn lặp đi lặp lại cách làm quen thuộc, không có ý định cải tiến hoặc thử nghiệm phương pháp mới.
- Tự mãn với sự “ổn định”: Bạn nghĩ rằng kinh nghiệm lâu năm là thước đo duy nhất của năng lực, tự tin rằng mình giỏi nhất trong lĩnh vực chỉ vì đã làm nó nhiều năm.
- Mất động lực phát triển: Bạn cảm thấy mình đã đạt ngưỡng, không còn điều gì cần học hỏi thêm.
- Hiệu suất trì trệ: Dù rất chăm chỉ nhưng bạn vẫn không đạt được sự cải thiện đáng kể trong công việc.
Ai trong chúng ta cũng sẽ từng có một lúc nào đó rơi vào chiếc bẫy “oái ăm” này. Thế An, Trainer chương trình đào tạo “Học cách Hành” độc quyền tại Sun* cho biết bẫy năng lực trung bình thường khó nhận biết vì nó bị che lấp bởi sự ổn định. Những người có vẻ "ổn định" thường đạt được kết quả vừa đủ tốt trong công việc, không thất bại rõ ràng nhưng cũng không tạo ra sự bứt phá.
“Ví dụ giống như việc chạy trên máy chạy bộ: bạn cảm thấy mình đang vận động, nhưng thực chất không tiến về phía trước. Những cá nhân "ổn định" thường rơi vào trạng thái tự mãn vì họ không đối diện với thất bại rõ rệt, nhưng cũng không có thành tựu nổi bật để làm động lực tiến lên. Điều này đặc biệt nguy hiểm vì họ dễ nhầm lẫn sự lặp lại là tiến bộ” - Thế An chia sẻ.
Đạt đến một mức năng lực nhất định là điều mà ai rồi cũng sẽ trải qua. Lúc năng lực còn thấp, chúng ta dễ nhận diện được và có động lực để phát triển. Nhưng khi đến trạng thái trung bình, chúng ta dễ cảm thấy đủ, tự vừa lòng và chững lại. Trạng thái này không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân mà còn để lại hậu quả lâu dài đối với đội nhóm và tổ chức:
Ngắn hạn | Dài hạn | |
Đối với cá nhân | Giảm nhiệt huyết học hỏi - Cá nhân cảm thấy hài lòng với những gì mình có, dẫn đến thiếu động lực nâng cao năng lực. | Sự trì trệ kéo dài khiến họ mất khả năng thích nghi với thay đổi, khó cạnh tranh trong công việc |
Đối với tổ chức | Đội nhóm không sáng tạo - Khi các thành viên ngại đổi mới, cả đội dễ mắc kẹt trong lối mòn cũ, kém cạnh tranh. | Đội nhóm và công ty mất đi lợi thế cạnh tranh do thiếu những cải tiến sáng tạo và định hướng phát triển dài hạn. |
Trong môi trường làm việc tại Sun*, rơi vào bẫy một thời gian quá dài sẽ đặc biệt nguy hiểm - nhất là trong bối cảnh những yêu cầu của khách hàng ngày càng cao hơn, thị trường cạnh tranh khốc liệt hơn và nhân sự cần phải liên tục trau dồi chuyên môn để hành động hướng business hơn.
Vậy làm thế nào để thoát ra khỏi chiếc bẫy này?
Khảo sát qua ý kiến Sunners thông qua minigame nhỏ, chúng mình nhận về khá nhiều cách hay và sáng tạo:
Không ai trong chúng ta hoàn hảo, và việc đôi lúc rơi vào bẫy năng lực trung bình là điều không thể tránh khỏi. Nhưng điều quan trọng là bạn nhận ra mình đang mắc kẹt và tìm cách thoát ra. Tựu chung, góc nhìn của Sunners đều hướng tới tầm quan trọng của việc “Làm - Thực hành liên tục - Cải tiến việc thực hành liên tục”.
Đó cũng chính là cốt lõi đã được các chuyên gia đào tạo tại Sun* nghiên cứu, hệ thống hoá các khái niệm để thành kiến thức và cẩm nang hướng dẫn hữu ích trong khóa học độc quyền “Học cách Hành”.
Được triển khai từ tháng 10/2024, Học cách Hành là khoá tiếp nối nội dung Học cách Học từ năm 2023.
“Trước đây, khi nói về việc nâng cao năng lực, chúng ta thường tập trung vào việc phải học gì. Rồi dần dần, câu hỏi chuyển thành học như thế nào để đạt được hiệu quả. Nhưng đến hiện tại, việc học không còn là đích đến cuối cùng nữa. Chúng ta cần đặt trọng tâm vào làm thế nào để thực hành hiệu quả ngay trong/sau khi học, bởi chỉ học mà không thực hành chẳng khác nào trở thành 'béo phì tri thức'. Ngược lại, nếu chỉ lao vào làm mà không bổ sung kiến thức mới, chúng ta dễ rơi vào trạng thái 'suy dinh dưỡng’ năng lực.
Đến Thực hành cũng cần phải học cách cho nó hiệu quả”
- Huyền Chi - Trainer khoá Học cách Hành khẳng định.
Có điều gì trong khoá “Học cách Hành” có thể đánh bay Bẫy năng lực trung bình?
Khóa học “Học cách Hành” được thiết kế như một bản đồ dẫn lối, giúp hệ thống hóa những khái niệm mà chúng ta từng cảm nhận, từng trải qua, nhưng chưa thể gọi tên hay hiểu rõ bản chất. Chiếc bẫy năng lực trung bình - vốn là rào cản lớn trong hành trình phát triển năng lực - được khóa học chỉ điểm một cách rõ ràng, giúp bạn “biết địch biết ta” để “trăm trận trăm thắng”.
Bước vào khoá học với 2 diễn giả Thế An và Huyền Chi, bạn sẽ tiếp cận với thế giới của 2 phương pháp thực hành:
Thực hành cơ bản | Thực hành có chủ đích |
Lặp lại hành động nhiều lần, bằng cách giống nhau. Kỹ năng có sự cải thiện theo thời gian nhưng đến lúc sẽ dừng lại và không cải thiện nữa. Đây là cách làm việc mà hầu hết mọi người thực hiện. | Lặp lại hành động nhiều lần, bằng những điều chỉnh khác nhau sau mỗi lần. Kỹ năng có sự cải thiện không giới hạn, luôn tìm cách làm tốt hơn. Có thể dẫn đến việc phát triển những kiến thức, kỹ năng phức tạp hơn. |
Theo đó, để thoát bẫy năng lực trung bình, chúng tôi khuyến khích học viên Thực hành có chủ đích - Thế An - Trainer khoá học cho biết.
“Khi thực hành có chủ đích, bạn không chỉ cải thiện năng lực ở một nhiệm vụ cụ thể mà còn nâng cao khả năng giải quyết vấn đề. Đây chính là bước chuyển từ một người chỉ thực hiện nhiệm vụ (Doer) thành một người giải quyết vấn đề (Solver)” - Trainer Huyền Chi khẳng định thêm.
Để hỗ trợ quá trình thực hành có chủ đích, các Trainer đã đưa ra một bộ câu hỏi then chốt, giúp học viên áp dụng liên tục cả trong ứng dụng gần (giải quyết vấn đề trước mắt) và ứng dụng xa (phát triển khả năng dài hạn):
- Nhiệm vụ mình cần phải làm hoặc nhiệm vụ mình muốn nâng cao hiệu suất là gì?
- Những điểm quan trọng nhất của nhiệm vụ đó là gì?
- Kiến thức nào có thể/cần sử dụng để giải quyết nhiệm vụ này?
“Ơ, hóa ra đây là quảng cáo khóa học à?”
Đọc đến đây, hẳn sẽ có bạn bật cười: “Hóa ra đây là bài PR cho khóa học!”. Vâng, đúng là vậy – nhưng không phải để “bán” một khóa học. Chúng tôi muốn “bán” một cơ hội để bạn nhìn lại bản thân, để thoát khỏi sự trì trệ và bắt đầu hành trình vượt bẫy năng lực trung bình.
Bởi lẽ, việc mắc kẹt trong bẫy năng lực trung bình không chỉ là câu chuyện của bạn, mà là vấn đề mà rất nhiều người đang gặp phải. Khóa học “Học cách Hành” không hứa hẹn sẽ biến bạn thành một ngôi sao sáng chỉ sau một đêm, nhưng nó sẽ là công cụ giúp bạn hiểu rõ bản thân hơn, hiểu mình đang ở đâu, và có khi lại “Ơ rê ca nhận ra những chiêm nghiệm thú vị” đấy!
Link khóa học luôn sẵn có tại đây, chờ đón bạn: https://sun-asterisk.wsm.vn/learn/vi/course/1669/ |
Thoát khỏi bẫy năng lực trung bình có thể là một hành trình dài đòi hỏi sự kiên trì, nhưng cũng có thể chỉ là một bước đi rất ngắn khi bạn nhận ra, khao khát và bắt đầu từ những hành động nhỏ nhất mỗi ngày. Để kết lại bài này, xin gửi bạn một câu:
“Đừng chỉ làm việc, hãy luôn đặt câu hỏi: Làm thế nào để làm việc với hiệu suất cao hơn”.
Nếu bạn đã sẵn sàng bước ra khỏi vùng an toàn, hãy thử bắt đầu thực hành có chủ đích ngay hôm nay.